Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng cao, nhiều chợ truyền thống, cửa hàng tại TP.HCM phải tạm ngừng hoạt động. Hiện tại, chỉ còn 32/237 chợ hoạt động, đặc biệt 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức lần lượt đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Điều này đã tạo áp lực lớn đến việc cung cấp thực phẩm cho người dân thành phố. Vì vậy, giải pháp cấp bách đặt ra là cần tận dụng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực hiện có của các chợ đầu mối trên để lập trạm trung chuyển hàng hóa, nhằm giảm áp lực cho hệ thống phân phối hiện tại.
Ngày 24/7, đoàn công tác liên Bộ gồm Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng UBND TP Hồ Chí Minh đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 3 chợ đầu mối, để lên phương án lập trạm trung chuyển tại đây. Sau khi kế hoạch này được thực hiện, dự kiến mỗi ngày sẽ có hàng trăm tấn hàng hóa được chuyển về Sài Gòn từ các tỉnh, đảm bảo cung cấp đủ lương thực thiết yếu cho thành phố đông dân nhất cả nước.
Hiện tại, đã có một trạm trung chuyển đã được lập tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, bắt đầu hoạt động từ đêm 11/7.

Tuy nhiên, công suất hiện tại mới chỉ ở mức 50 tấn/ngày do vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Trong khi thời điểm chưa xảy ra có dịch COVID-19, lượng hàng về 3 chợ đầu mối khoảng 8.500 – 8.700 tấn/ngày đêm, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, thiết yếu như: thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây…, cung ứng khoảng 60-70% nhu cầu cho người dân TP.HCM.
Do vậy, với tình hình hiện tại, riêng trạm trung chuyển tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, khu vực tập kết hàng hóa trung chuyển có diện tích 5.000m2 và Ban giám đốc chợ đã lên danh sách các xe ra vào khu vực trung chuyển, thực hiện tiêu độc khử trùng và “3 tại chỗ” cho nhân viên, lái xe cũng như các hộ kinh doanh tại đây. “Nếu đi vào hoạt động trạm trung chuyển này sẽ có sức chứa từ 120 – 150 tấn thực phẩm/ngày. Do đó chúng tôi chỉ chờ các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động để giảm áp lực cung ứng hàng hóa cho các kênh phân phối Thành phố”- ông Dũng chia sẻ.

Qua khảo sát thực tế và nhận thấy nhu cầu cấp bách của việc đảm bảo đủ lương thực thiết yếu cho người dân thành phố cũng như cả 3 chợ đầu mối đều đảm bảo đủ các yêu cầu để triển khai điểm trung chuyển, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã nhất trí việc sớm mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối của TPHCM, đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các Sở, ngành liên quan căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của từng chợ để nghiên cứu, tổ chức thực hiện mở lại chợ đầu mối trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối các quy định của các cấp có thẩm quyền, ngành y tế về phòng, chống dịch COVID-19”.
Hi vọng với chủ trương và quyết định đúng đắn này, các điểm tập kết hàng hóa trung chuyển ngay tại các chợ đầu mối sẽ sớm đi vào hoạt động, giảm tải cho hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại cũng như giúp người dân TP.HCM yên tâm về vấn đề lương thực, vượt qua thời kỳ vô cùng khó khăn này.