Việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” tại các tỉnh thành phía Nam đã bộc lộ ra những hạn chế, sự không hiệu quả và cần có những thay đổi để phù hợp.
Theo đó, chỉ có số ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được “3 tại chỗ” tại các tỉnh thành phía Nam nhưng lại đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch. Một vấn đề chung khiến doanh nghiệp và cả người lao động lo lắng chính là tình hình dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp, cùng với đó là việc nhiều địa phương bắt đầu thực hiện đưa người lao động trở về quê tránh dịch. Không ít bộ phận người lao động lo sợ về việc lây nhiễm COVID-19 nên đã không đồng ý ở lại nhà máy.
Tại buổi tọa đàm về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 4/8, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cho biết, hơn 30% người lao động đồng ý với giải pháp “3 tại chỗ”, vì họ không biết được dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, bao giờ họ mới được trở về nhà. Trong khi đó, tới 70% người lao động lại không muốn điều này, rõ ràng tỷ lệ đang có sự chênh lệch.
Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” và phải tạm dừng đóng cửa. Một số ít có thể đáp ứng được nhưng giờ đây lại đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp khác đang áp dụng 3 tại chỗ cũng phải băn khoăn, e ngại.
“3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế và có thể kéo dài tối đa khoảng một tháng, theo ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP HCM tại tọa đàm trực tuyến “Cà phê doanh nhân” do Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức. Giải thích về vấn đề này, ông nói: “Vì suy cho cùng, chúng ta không thể biến các khu công nghiệp, khu sản xuất thành khu dân cư lâu dài. Tâm lý người lao động phải ở lâu trong nhà máy, nơi làm việc cũng khiến họ cảm thấy bức bối khi bị kiểm soát khắt khe”.
Để đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” nhiều doanh nghiệp đã phải cơi nới, tận dụng tối đa diện tích để người lao động có thể vừa sản xuất, vừa cách ly tại chỗ. Tuy nhiên, chỉ sau hai tuần, mô hình này đã phát sinh nhiều vấn đề về điều kiện an toàn, vệ sinh và tâm lý bất ổn trong người lao động. Đồng thời, chi phí duy trình “3 tại chỗ” quá cao, doanh nghiệp không chỉ phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt mà còn phải lo đời sống cho công nhân và chi phí xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho người lao động.
Cũng tại buổi tọa đàm, bà Lý Kim Chi Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP HCM, thông tin hiện nay có hơn 70% doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang phải bán bù lỗ và bán huề vốn bởi giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh tại chỗ để lo cho công nhân đều tăng.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi doanh nghiệp đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí xét nghiệm, cơ sở vật chất trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, nay không thể sản xuất nhưng vẫn phải tiếp tục bỏ chi phí xét nghiệm cho toàn bộ người lao động bằng phương pháp Realtime RT-PCR đắt đỏ.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp tại Tiền Giang đã đề xuất thay đổi mô hình hoạt động từ “3 tại chỗ” thành “2 tại chỗ” (ăn uống và làm việc tại chỗ). Đồng thời, doanh nghiệp sẽ thực hiện kiểm soát việc thực hiện xét nghiệm và đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng khi lao động đã tiêm vắc xin đầy đủ có thể nghĩ đến tổ chức theo hướng kiểm soát chặt việc đi – đến nhà máy của người lao động theo một cung đường trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh. “Rõ ràng, nếu kéo dài ‘3 tại chỗ’ không chỉ doanh nghiệp khó về chi phí mà còn vấn đề làm sao để phòng chống dịch an toàn”, ông nói.
Bà bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, đề xuất nới lỏng mô hình “3 tại chỗ” bằng cách cho phép doanh nghiệp đưa rước công nhân về nhà, chịu trách nhiệm đưa đón công nhân đến nơi làm việc; đảm bảo quy trình sức khỏe nghiêm ngặt nhất.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp.